3 việc làm ý nghĩa cho ngày tết đoàn viên của gia đình

Tết trung thu từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi con người Việt Nam. Vào ngày này, người ta thường gác lại bộn bề cuộc sống để cùng ngồi lại bên nhau trong ngày tết đoàn viên. Để một đêm trăng rằm trở nên ý nghĩa và mãi đọng lại trong trí nhớ của bé, quý vị đừng bỏ qua những hoạt động thú vị sau đây nhé.

Gia đình

1.Tự làm bánh trung thu

Bánh Trung thu là món ăn ưa thích của trẻ em. Do đó, việc quý vị cùng bé tự tay làm những chiếc bánh sẽ tạo cho bé một trải nghiệm cực kì thú vị, đồng thời giúp trẻ hiểu thêm về các món bánh cổ truyền của dân tộc. Hãy cùng nhau tìm hiểu cách làm bánh trung thu nhân đậu xanh trứng muối sau đây.

Chuẩn bị trước khi làm bánh

Phần vỏ

  • 320g bột mì đa dụng

  • 200ml nước đường

  • 1 lòng đỏ trứng gà

  • 7g bơ đậu phộng

  • 50ml dầu ăn

Phần nhân

  • 6 trứng vịt muối

  • 200g đậu xanh không vỏ

  • 100g đường

  • 80ml dầu ăn

  • 2 muỗng cà phê bột nếp bánh dẻo

Quét mặt bánh

  • 1 lòng đỏ

  • 30ml dầu ăn

  • 30ml sữa tươi không đường

Tiến hành làm bánh trung thu

  • Đậu xanh ngâm nước cho mềm, đem hấp chín, giã nhuyễn. Trộn đều đậu xanh với đường, dầu ăn rồi cho lên chảo xào đều đến khi hỗn hợp dẻo mịn và khô bớt. Lấy xuống cho bột bánh dẻo vào. Để nguội rồi chia nhân thành những viên tròn.

  • Cho bột mì vào thau nhựa với trứng, nước đường, bơ đậu phộng rồi đảo đều lên (không nhồi) bọc kín để nghỉ 30-45 phút.

  • Trứng muối bóc vỏ, bỏ lòng trắng rửa sạch dưới vòi nước rồi thả vào tô có rượu mai quế lộ ngâm 5 phút. Sau đó lấy ra lăn qua dầu ăn rồi cho vào lò nướng ở 150 độ trong 8 phút.

  • Lấy đậu xanh bọc trứng vào giữa và vo tròn lại. 

  • Bột đã nghĩ đủ thời gian, quý vị lấy ra nhồi đều tay rồi chia làm 6 viên bằng nhau, ấn dẹp rồi cho nhân vào giữa gói kín lại.

  • Tráng khuôn bằng một lớp mỏng dầu ăn rồi thả bột đã viên vào, dùng tay ấn xuống để bánh được nét rồi úp khuôn xuống, giữ khoảng 2-3 giây rồi từ từ thả bánh ra khay đã lót giấy nến.

  • Làm nóng lò 180 độ rồi cho bánh vào nướng 10 phút. 

  • Chuẩn bị hỗn hợp quét bánh (rây lại cho mịn).

  • Lấy bánh ra để nguội bớt hoặc xịt nước cho nguội rồi quét hỗn hợp lên cho vào nướng 10 phút. 

  • Tiếp tục nướng lần 3 cũng trong 10 phút.

Với một ít thời gian chuẩn bị và một buổi chiều để làm bánh, quý vị đã có thể đem đến cho bé một cái tết đoàn viên ý nghĩa hơn bao giờ hết rồi.


2. Tự làm lồng đèn

Có rất nhiều mẫu đèn từ đơn giản cho đến phức tạp, nếu có thời gian, quý vị có thể vót tre để cùng bé làm đèn ông sao, đèn hoa sen, đèn cá chép… Còn nếu không có thời gian chuẩn bị quá nhiều thứ, quý vị có thể hướng dẫn bé làm những chiếc đèn lồng đơn giản hơn như đèn lồng quả trám, đèn giấy…

Quý vị có thể vận động khu phố hoặc đơn giản là những đứa trẻ trong gia đình cùng tụ họp lại và làm lồng đèn. Cuối cùng, sẽ thi xem lồng đèn nào đẹp nhất và các bé sẽ rước đèn bằng chính chiếc đèn mà mình làm ra.


3. Trang trí mâm cỗ trung thu

Những hình thù ngộ nghĩnh trong mâm cỗ luôn thu hút sự tò mò của trẻ em. Quý vị có thể rủ bé cùng trang trí cho mâm cỗ đêm trăng rằm. Cùng con khắc tỉa trái cây thành những con vật như heo, cún, cá, công… vừa giúp các bé vui trung thu, vừa mang ý nghĩa giáo dục thiết thực nhất để bé hiểu hơn về những nét đẹp riêng của ngày tết đoàn viên.

Hy vọng qua bài viết này, quý vị và bé sẽ có ý tưởng cho một mùa tết đoàn viên đáng nhớ. Chúc các quý vị thực hiện thành công!