Lý giải nguồn gốc và ý nghĩa của tết trung thu

Tết Trung Thu đã quá đỗi quen thuộc với người Việt Nam. Tuy nhiên, nếu có ai hỏi rằng vì sao lại gọi là Tết Trung Thu và cái tết ấy bắt nguồn từ đâu, có gì khác với tết Nguyên Đán hay tết Đoan Ngọ hay không? Liệu quý vị có thể trả lời câu hỏi hay sẽ trở nên lúng túng? Nếu quý vị “bí”, hãy cùng Huongluxury đi tìm lời giải đáp nhé!

Gia đình

Nguồn gốc tết Trung Thu

Nhiều người cho rằng, tết Trung Thu bắt nguồn từ Trung Quốc trong thời gian Việt Nam bị phương Bắc đô hộ. Nhà văn Toan Ánh trong quyển “Nếp cũ tín ngưỡng Việt Nam Quyển Hạ” lại cho rằng theo sách cổ thì Tết Trung Thu bắt đầu từ thời nhà Đường, Vua Duệ Tôn, niên hiệu Văn Minh.

Năm ấy vào đêm khuya rằm tháng tám, gió mát, trăng thanh, trong lúc đang dạo chơi ngoài thành thì nhà vua gặp một vị tiên giáng thế trong hình hài một ông lão đầu bạc phơ như tuyết. Vị tiên đã hóa phép tạo một chiếc cầu vồng, một đầu giáp cung trăng, một đầu chạm mặt đất. Không chần chừ, nhà vua trèo lên cầu vồng đi đến cung trăng và dạo chơi nơi cung Quảng. Khi trở về trần thế, vua luyến tiếc cảnh cung trăng đầy thơ mộng ấy nên đã đặt ra tết Trung Thu. Kể từ đó, cứ đến rằm tháng tám là vua lại ra lệnh cho dân tổ chức rước đèn và bày tiệc ăn mừng, cùng uống rượu ngắm trăng để kỉ niệm chuyến du nguyệt kỳ diệu của mình. Từ đó về sau, việc tổ chức rước đèn và bày tiệc trong ngày Rằm tháng tám đã trở thành phong tục của dân gian.


Ý nghĩa của Tết Trung Thu

Tết Trung Thu của người Việt có nhiều điểm khác biệt với Tết Trung Thu của người Hoa. Trong đêm rằm tháng tám, cha mẹ sẽ bày một mâm cỗ lớn để các con cùng nhau mừng Trung Thu, mua hoặc làm đèn lông thắp nến để trẻ con có thể rước đèn cùng chúng quý vị. Trung Thu cũng là dịp mà mọi người lớn nhỏ trong gia đình có cơ hội quây quần lại cùng nhau, nên ngoài cái tên Tết Trung Thu, đêm rằm tháng tám còn có một cái tên hết sức thân thương đó là Tết đoàn viên.

Mâm cỗ ngày Tết đoàn viên gồm bánh trung thu, kẹo, mía, bưởi, lựu… và một vài các loại hoa quả, bánh kẹo khác. Thêm vào đó là một bình rượu nhỏ hoặc ấm trà nóng để phá cỗ đêm trăng. Đây cũng là dịp mà mọi người thể hiện sự quan tâm, quý mến nhau qua những hộp bánh, khay trà, là dịp để con cháu thể hiện sự biết ơn đối với ông bà, tổ tiên, trời đất.

Người Việt thường tổ chức múa lân hoặc múa sư tử trong dịp tết Trung thu. Con lân thể hiện cho sự may mắn và tài lộc. Ban đầu, Tết Trung Thu là tết của người lớn, ăn bánh, uống trà, ngắm trăng và thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên, tạ ơn trời đất vì vụ mùa đã qua và cầu xin cho cuối năm an yên. Sau này, tết Trung thu trở thành tết trẻ em, là dịp để trẻ em có thể xúng xính váy áo và khoe đèn lồng khắp nơi, ca hát, phá cỗ và thưởng thức bánh kẹo thoải mái.

Tết Trung Thu là một phong tục đậm tính nhân văn và ý nghĩa. Đó là cái tết đoàn viên, là sự chăm sóc, biết ơn, quan tâm của tình thân hữu, của yêu thương. Chúc quý vị có một mùa tết trung thu quây quần bên gia đình thật ấm áp.