Mẹ cần lưu ý những gì khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy?

Làm sao để nhận biết trẻ bị tiêu chảy? Tiêu chảy là tình trạng trẻ đi ngoài từ 3 lần trở lên, liên tục trong ngày, phân lỏng, nhiều nước. Việc đi ngoài nhiều lần dẫn đến tình trạng mất nước và sẽ gây nguy hiểm cho trẻ nếu mẹ không xử lý kịp thời. Vì thế, hãy cùng Huongluxury tìm hiểu những lưu ý sau đây để chăm sóc khi trẻ bị tiêu chảy nhé!

Gia đình

Nguyên nhân dẫn đến việc trẻ bị tiêu chảy:

  • Trẻ bị tiêu chảy do ăn phải thức ăn không vệ sinh.

  • Mẹ không thực hiện cách vệ sinh bình sữa đúng cách bao gồm muỗng, cốc, chén của trẻ.

  • Trẻ ăn dặm quá nhiều món lạ cùng lúc và quý vị không cho bé ăn dặm đúng cách.

  • Mẹ và trẻ chưa vệ sinh tay trong quá trình ăn.

  • Trẻ bị thiếu men tiêu hoá gây rối loạn tiêu hoá.


Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị tiêu chảy tại nhà:

1. Các cấp độ mất nước khi trẻ bị tiêu chảy:

Đi tiêu nhiều lần trong ngày, phân lỏng, mùi tanh, có chất nhầy màu xanh sẫm chính là các triệu chứng cho thấy trẻ bị tiêu chảy. Bệnh tiêu chảy thường làm trẻ rơi vào tình trạng mất nước, cơ thể mệt lả. Dưới đây là 3 cấp độ mất nước khi trẻ bị tiêu chảy mà mẹ cần biết để hiểu được tình trạng nguy cấp của con:

  • Cấp độ 1: Trẻ khô môi, khát nước kèm quấy khóc, trẻ vẫn đi tiểu kèm đi tiêu.
  • Cấp độ 2: Trẻ khát nước nhiều, da có hiện tượng kém đàn hồi, trẻ tiểu ít đi.
  • Cấp độ 3: Môi khô nhiều, da nhăn, mắt trũng kèm theo quấy khóc liên tục.

2. Bù nước và cung cấp chất điện giải cho trẻ bị tiêu chảy:

Trẻ bị tiêu chảy sẽ bị mất nước. Do vậy, bên cạnh việc thăm khám và uống thuốc theo liều lượng bác sĩ kê đơn, việc bù nước, chất điện giải lại cho trẻ cũng vô cùng quan trọng. Mẹ nên cho trẻ uống oresol – dung dịch phổ biến giúp bù lại nước và các chất điện giải tốt cho trẻ.

Cách pha dung dịch: Mẹ pha 1 gói Oresol với 1 lít nước đun sôi để nguội, cho vào bình đậy kín và cho trẻ uống dần trong ngày. Mẹ không nên sử dụng qua ngày nếu còn.

Nếu trẻ không chịu uống hoặc nôn ói, mẹ nên chia nhỏ và cho trẻ uống từ từ, không nên ép trẻ. Sau mỗi lần trẻ đi tiêu, mẹ nên cho trẻ uống thêm 1 cốc nhỏ.

3. Mẹ hãy làm những điều này để trẻ không bị tiêu chảy

Để giúp trẻ phòng ngừa bệnh tiêu chảy, quý vị hãy thực hiện các biện pháp sau:

  • Bảo quản thức ăn đúng cách, kiểm tra độ tươi mới của thức ăn trước khi cho trẻ ăn.

  • Các vật dụng của trẻ như bình sữa, ly, chén cần rửa sạch bằng nước rửa chuyên dụng. Sau đó, quý vị ngâm với nước sôi hoặc dùng máy tiệt trùng bình sữa để đảm bảo vệ sinh.

  • Mẹ nên rửa tay khi nấu cũng như lúc cho trẻ ăn.

  • Vệ sinh tay, đồ chơi, vật dụng của trẻ thường xuyên. Với việc làm này, mẹ sẽ hạn chế tối đa sự xâm nhập của hại khuẩn tới đường tiêu hoá của trẻ.

  • Mẹ hãy cho bé ăn dặm đúng cách theo tháng tuổi để trẻ có hệ tiêu hoá ổn định.

4. Những thực phẩm mẹ có thể cho trẻ ăn khi trẻ bị tiêu chảy

Khi trẻ bị tiêu chảy, mẹ vẫn nên cho trẻ ăn theo chế độ bình thường, không nên giảm lượng thức ăn của trẻ. Việc đột ngột giảm lượng thức ăn sẽ khiến cho bé bị thiếu dinh dưỡng, cơ thể suy nhược. Tuy nhiên, quý vị cần chú ý cho con ăn những loại thức ăn dễ tiêu hoá, ít chất béo, các loại trái cây để bổ sung lại lượng vi chất. Lượng thức ăn cần chia đều cho mỗi bữa và tăng số lượng bữa ăn nếu trẻ không ăn được nhiều một bữa.

5. Một số lưu ý nhỏ cho mẹ 

Khi trẻ có các biểu hiện như quấy khóc nhiều, sốt, trong phân có máu, nôn ói nhiều, không giảm số lần đi tiêu sau khi được uống thuốc có chỉ định, mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay.

Nếu trẻ nhỏ còn sử dụng tã, bé sẽ dễ bị hăm khi da tiếp xúc nhiều với phân lỏng. Do đó, mẹ nên vệ sinh sạch sẽ bằng xà phòng và nước ấm, không nên chà xát quá nhiều bằng các loại giấy lau. Sau đó dùng kem chống hăm tã cho bé. Quý vị cũng có thể mặc bỉm cho con để giảm đi triệu chứng hăm tã và mang lại cảm giác thoải mái, dễ chịu hơn.

Huongluxury mong bài viết trên đã mang lại thông tin hữu ích giúp mẹ và trẻ phòng chống cũng như vượt qua tình huống này. Quý vị hãy lưu ý và bảo quản thực phẩm luôn sạch sẽ để tránh trường hợp trẻ bị tiêu chảy quý vị nhé!

Xem thêm: