Sự phát triển của trẻ từng tháng tuổi và các cột mốc cần chú ý!

“Trẻ em chính là tương lai của đất nước, là hạnh phúc của mỗi gia đình”. Khi đọc được dòng văn này trong cuốn sách “Bách khoa toàn thư về nuôi dạy trẻ” trong tủ sách Người Mẹ Tốt của nhà xuất bản Phụ Nữ, Huongluxury tin rằng, những thông tin quý giá trong cuốn sách có thể sẽ giúp ích rất nhiều cho các bậc cha mẹ. Chính vì vậy, Huongluxury sẽ tóm lược những thông tin về các giai đoạn phát triển của trẻ theo từng tháng tuổi và các cột mốc cần chú ý. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp ích cho các bậc cha mẹ để “nuôi và dạy” trẻ bớt những đi lo lắng, muộn phiền.

Gia đình

Giai đoạn 1: Từ 0 đến 6 tháng tuổi

Giai đoạn phát triển của trẻ từ 0 đến 6 tháng tuổi rất quan trọng. Đây là giai đoạn hình thành các kỹ năng, tính cách cho trẻ trong suốt quãng đời sau này. Về mặt thể chất, các mẹ hãy cố gắng lập bảng theo dõi sơ đồ phát triển cho trẻ. Đồng hành cùng trẻ, các bậc cha mẹ nên quan tâm đến những thay đổi của trẻ theo từng giai đoạn, để có cách ứng xử hợp lý, cho trẻ được lớn lên trong niềm vui, và thể hiện cá tính của mình.

Những thay đổi của trẻ về cơ thể từ 0 đến 6 tháng tuổi

Trẻ của những tháng đầu tiên có sự thay đổi theo từng ngày, từng tuần: 

  • Sau khi sinh 3 ngày, một số trẻ có nước da màu vàng. Nếu không có gì đặc biệt chứng vàng da sinh lý sẽ dần hết sau khoảng 1 tuần. 
  • Vị trí lưng – chỗ gần hông sẽ có những vết chàm màu xanh tím và khi trẻ lớn dần sẽ hết. 
  • Gáy, lông mày, cánh mũi có thể có những đốm đỏ bằng hạt gạo. Quý vị cũng đừng lo lắng! Hiện tượng này sẽ dần biến mất khi trẻ được 1 tuổi.
  • Về giác quan: Mắt trẻ lúc này chưa thể nhìn rõ được. Tai trẻ có thể nghe được âm thanh to, nếu đóng cửa mạnh sẽ giật mình. Điều đặc biệt là trẻ có thể ghi nhớ được nụ cười và học cách đáp lại nụ cười. Trẻ có thể ghi nhớ giọng nói của mẹ.

Những thay đổi của trẻ về cân nặng và vận động từ 0 đến 6 tháng tuổi

Sự phát triển của trẻ sơ sinh thay đổi theo từng tuần, mẹ hãy chú ý theo dõi cân nặng và việc bài tiết của trẻ. Đối với trẻ sơ sinh trong 1 tháng đầu, trẻ cần tăng ít nhất 100g/tuần và đi vệ sinh khoảng 5-10 ngày/lần.

Giai đoạn từ 0 đến 3 tháng tuổi:

  • Trẻ có xu hướng cầm, nắm đồ vật và đưa lên miệng để khám phá.
  • Trẻ sẽ cố gắng ngóc đầu và nâng ngực lên. Điều này cho thấy, trẻ đang phát triển hệ cơ, xương tốt.
  • Cầm nắm đồ vật trong tầm mắt

Giai đoạn từ 4 đến 6 tháng tuổi:

  • Trẻ sẽ tập lẫy và lật qua lật lại
  • Trườn tới nơi có gần đồ vật muốn lấy
  • Cười thành tiếng, phát ra âm thanh bặt bẹ bắt chước quý vị
  • Với lấy đồ vật trong tầm mắt, cầm nắm chắt đồ vật
  • Với những trẻ có thể ngồi vững vàng trong ghế ăn dặm là dấu hiệu nhận biết đã sẵn sàng bước vào giai đoạn ăn dặm lần đầu tiên.

Cách nuôi dưỡng trẻ sơ sinh 0 đến 6 tháng tuổi

Đây là thời kỳ quan trọng của hành trình “nuôi con bằng sữa mẹ”. Lúc này, sữa mẹ mang đến cho trẻ không chỉ là dinh dưỡng, mà bao gồm cả các chất đề kháng mà không bất cứ loại sữa nào thay thế được. Vì vậy, khi mang thai và cho con bú, người mẹ nên ăn uống đủ chất, bổ sung Canxi để hành trình này diễn ra thật trọn vẹn.

Mẹ nên nhận biết các dấu hiệu khi nào bé đói, bé no, không nên cứ thấy con khóc là cho bú. Bé có thể khóc do gắt ngủ, do muốn đi vệ sinh, do nóng, do tã ướt…Mẹ hãy tìm hiểu cách biểu đạt của bé và đáp ứng đúng cách để trẻ yên tâm và nín khóc.


Giai đoạn 2: Từ 6 tháng đến 18 tháng tuổi

Những thay đổi của trẻ trong giai đoạn 6 – 18 tháng tuổi

So với giai đoạn trước, trẻ đã đạt được sự uyển chuyển hơn trong vận động. Trẻ cứng cáp hơn và quan tâm nhiều hơn đến thế giới xung quanh. Một số trẻ đã biết bày tỏ thái độ và khóc khi có điều gì đó không bằng lòng.

Về mặt thể chất thì chân, tay trẻ cũng khỏe hơn. Nếu mẹ bế đứng thẳng và đỡ, trẻ thậm chí còn nhún nhảy. Đến giai đoạn 6 tháng tuổi, trẻ đã dần nhận ra được mẹ, nhìn thấy mẹ sẽ cười, gặp người lạ sẽ bật khóc. Mẹ có thể chơi trò chơi “ù, òa” với trẻ, trẻ sẽ tỏ ra vui vẻ.

Khi bước qua giai đoạn 6 tháng tuổi thì giờ ngủ của trẻ ít hơn và thức nhiều hơn. Lúc này, các mẹ hãy rèn luyện thói quen ngủ đúng giờ cho trẻ ngay. Nếu không rèn nếp trẻ ngủ sớm, đúng giờ sau này sẽ rất khó kêu bé đi ngủ sớm. Về mặt đại tiện thì số lần đi vệ sinh của trẻ cũng ít đi và dần đi vào quy củ.

Giai đoạn 7 đến 9 tháng tuổi:

  • Trẻ bắt đầu trườn khéo léo và tập bò bằng tay và đầu gối. Một số trẻ sẽ bỏ qua giai đoạn trườn/ bò sang đi.
  • Trẻ cứng cáp hơn và ngồi vững được mà không cần hỗ trợ
  • Bập bẹ nói được vài từ đơn giản: ba, mẹ
  • Trẻ sẽ đáp lại các phản ứng quen thuộc, chẳng hạn như nhận ra mẹ đang kêu tên mình,…
  • Trẻ sẽ biết làm những hành động ba mẹ tập cho như: vỗ tay, mi gió,…
  • Thích chơi các trò chơi trốn tìm, quăng banh,…

Giai đoạn từ 9 đến 18 tháng tuổi

  • Bắt đầu có thể tự ăn bằng muỗng
  • Có khả năng cầm nắm chính xác hơn, giữ vật bằng 2 ngón tay trỏ và cái
  • Trẻ có thể cầm đồ vật và đi bộ khám phá xung quanh
  • Trước 12 tháng tuổi, trẻ có khả năng nói được trung bình 3 từ. Sau 12 tháng tuổi, trẻ sẽ nói được nhiều hơn các từ chỉ sau vài lần ba mẹ nói.
  • Trẻ sẽ bắt đầu bắt chước các hành động của quý vị như: nghe điện thoại, chải tóc,…

Cách nuôi dưỡng trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi

Giai đoạn này, nuôi con bằng sữa mẹ vẫn cần thiết. Ngoài ra, cha mẹ hãy cùng trẻ sẵn sàng làm quen với việc ăn dặm. Dù áp dụng phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, truyền thống hay chỉ huy,… hãy ghi nhớ “việc ăn uống của trẻ phải là niềm vui”. Đừng gây áp lực cho trẻ và người mẹ.

Nếu thời tiết tốt, cha mẹ hãy cố gắng cho trẻ vui chơi ngoài trời. Cha mẹ hãy ghi nhớ lịch tiêm chích ngừa của trẻ. Cha mẹ cũng cần chuẩn bị kỹ năng cần thiết khi bắt gặp những dấu hiệu trẻ sốt, nôn trớ, táo bón, sau khi tiêm chủng hoặc khi sử dụng các đồ vật…


Giai đoạn 3: Từ 18 tháng đến 6 tuổi.

Những thay đổi của trẻ trong giai đoạn 18 tháng tuổi – 6 tuổi

Sự phát triển của trẻ em qua các giai đoạn có liên quan mật thiết với nhau. Giai đoạn trước 18 tháng tuổi là giai đoạn “tắm ngôn ngữ”, trẻ sẽ được nghe nhiều hơn và hiểu về ngôn ngữ. Sau 18 tháng tuổi là cột mốc đánh dấu cho sự phát triển ngôn ngữ mạnh mẽ nhất. Trẻ sẽ nói nhiều từ đơn hơn và tăng độ khó dần là nói những cụm từ 2 – 3 chữ,…

Ngoài việc chăm sóc dinh dưỡng, cha mẹ cần rèn luyện sức khỏe, dạy trẻ kỹ năng sống. Hướng dẫn trẻ đi vệ sinh, thay quần áo, tự xúc ăn. Đây là thời điểm mà trẻ cần rất nhiều sự kiên nhẫn từ cha mẹ.

Tính cách của trẻ bắt đầu hình thành trong khoảng thời gian này. Nếu chú ý, cha mẹ sẽ nhận ra trẻ thích âm nhạc, mỹ thuật hay vận động. Điều này rất quan trọng cho định hướng giáo dục trẻ sau này.

Cách nuôi dưỡng 18 tháng tuổi đến 6 tuổi

Trẻ con rất tò mò, hiếu động, vì vậy cha mẹ hãy dự phòng tai nạn đối với trẻ khi vui chơi, học tập. Đồng thời, cha mẹ hãy tạo cơ hội để trẻ tự tư duy, trải nghiệm và cảm nhận được niềm vui khi hoàn thành tốt bất kỳ công việc nhỏ bé nào.

Thực tế, trong 3 dấu mốc phát triển của trẻ nêu trên, mỗi giai đoạn cũng bao gồm những thời kỳ đánh dấu sự thay đổi quan trọng của trẻ. Cha mẹ cần lưu tâm quan sát, chú ý đến trẻ, để có sự giúp đỡ phù hợp, giúp trẻ phát triển nhiều mặt thể chất, trí tuệ và tình cảm của trẻ.

Huongluxury mong rằng những chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho các bậc cha mẹ khi đồng hành cùng con cái. Đừng quên ghé Huongluxury thường xuyên để cập nhật những kiến thức về chăm sóc gia đình nhé.

>>> Xem thêm: