Tại sao con quý vị thường xuyên mắc bệnh viêm phổi?

“Vì sao con tôi dễ mắc viêm phổi” là câu hỏi tôi thường nhận được từ các bậc phụ huynh mỗi khi thăm khám bệnh viêm phổi cho con cái họ. Lý do chính là những yếu tố sau:

Gia đình

Thứ nhất, trẻ sơ sinh dễ bị nhiễm khuẩn phổi từ trước, trong và sau khi được sinh ra. Viêm phổi ở trẻ sơ sinh thường do các loại vi khuẩn như Listeria, Coli, các vi khuẩn Gram âm. Một số trẻ sơ sinh bị viêm phổi là do bị nhiễm khuẩn phổi có thể xảy ra từ trước, trong hoặc sau sinh.

Trẻ có thể bị bệnh ngay trong khi sinh do hít phải nước ối, phân su đã bị nhiễm khuẩn hoặc dịch tiết ở đường sinh dục của người mẹ.

Trong khi đỡ đẻ, hồi sức sau đẻ và chăm sóc trẻ sơ sinh nếu không thực hiện vô trùng, trẻ rất dễ bị nhiễm khuẩn từ dụng cụ và môi trường, người chăm sóc.

Thứ hai, bộ máy hô hấp ở trẻ nhỏ còn non nớt, chưa hoàn thiện. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đường hô hấp nhỏ hẹp và ngắn, khi bị viêm dễ gây phù nề niêm mạc đường thở nên trẻ hay gặp các cơn khó thở, viêm dễ dàng lan rộng ra xung quanh. Đó là lý do tại sao khi trẻ bị viêm phổi, bệnh thường tiến triển rất nhanh và nặng.

Trẻ dưới một tuổi, số lượng phế nang vẫn còn ít, mỗi khi thở hầu như tất cả phế nang đều hoạt động và hoạt động nhanh hơn bình thường để bù cho nhu cầu oxy/kg cân nặng cao hơn người lớn. Quá trình này nếu tăng cao, nhịp thở tăng quá nhanh, lâu dài sẽ khiến trẻ kiệt sức và có thể bị suy hô hấp rất nguy hiểm.

Trẻ lớn hơn, cơ quan hô hấp phát triển nhanh và hoàn thiện dần. Vì vậy, khi trẻ hơn 5 tuổi, tỷ lệ bị viêm phổi cũng giảm hẳn, cùng với đó các biến chứng nặng nề cũng ít gặp hơn.

Như vậy, trẻ em không phải là “người lớn thu nhỏ” như quan niệm của nhiều người. Các cơ quan chức năng cơ thể của trẻ đều còn rất non yếu và chưa hoàn thiện, dễ dàng bị những ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài.

Bên cạnh đó, những sai sót trong quá trình chăm sóc trẻ cũng là tác nhân khiến trẻ dễ mắc viêm phổi. Những thói quen sai trong quá trình chăm sóc khiến trẻ bị nhiễm lạnh, từ đó gây viêm phổi như: ủ con quá ấm, mồ hôi nhiều không thay quần áo ngay, khiến trẻ bị “mồ hôi ngấm ngược”, sử dụng thiết bị làm mát sai cách, không đắp chăn cho trẻ kịp thời, cho trẻ ra ngoài vào sáng sớm hoặc đêm muộn.