Tết Xanh vì 7 hành động nhỏ bảo vệ môi trường của quý vị khi du Xuân!

Môi trường sống bị ô nhiễm sẽ tác động xấu đến sức khỏe của chúng ta. Trước tình trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động như hiện nay, hãy có những hành động thiết thực để chung tay bảo vệ môi trường sống của chính mình, ngay cả trong những ngày du xuân quý vị nhé!

Sự bền vững

1. Bảo vệ cây xanh, thảm cỏ

Trong dịp Tết đến, nhiều gia đình thường chọn những địa điểm trong lành, mát mẻ như công viên, khu vui chơi giải trí để cả nhà du Xuân. Ở đó, chúng ta thấy không ít những hành động như giẫm đạp lên bãi cỏ, ngắt cành hoa để chụp ảnh… 

Chắc quý vị cũng đã biết cây xanh hấp thụ khí CO2, ở phạm vi lớn, chúng giúp ngăn sạt lở, xói mòn đất và cung cấp không khí trong lành, tạo ra môi trường sinh thái cho mọi sinh vật. Ở phạm vi nhỏ, cây xanh tạo bóng mát, làm đồ trang trí nội thất, làm thức ăn… Cây xanh có tầm quan trọng rất lớn đến cuộc sống, nên chúng ta cần phải có ý thức bảo vệ chúng.

Bố mẹ hãy thường xuyên nhắc nhở và hướng dẫn cho các bé không được làm những hành động như phá hoại cây xanh, bãi cỏ… và giải thích những tác hại có thể xảy ra để các con hiểu và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

>>> Xem thêm chi tiết: Chăm sóc mai vàng sau Tết

2. Vứt rác đúng nơi quy định

Vỏ bánh kẹo, thức ăn ngày Tết, không được vứt bỏ đúng nơi quy định không chỉ làm bẩn môi trường sống của gia đình quý vị mà còn cả đường phố xung quanh. Quý vị có biết, bao bì, túi ni lông mất hàng nghìn năm để phân hủy. Trước đó, chúng đã kịp trở thành những mảnh vi nhựa bám vào nguồn thức ăn của động vật và sau đó quay trở lại trong cơ thể chúng ta. 

Do vậy, quý vị hãy làm gương cho các con và dạy con cách phân loại và vứt rác đúng nơi quy định như một người văn minh.

3. Hạn chế sử dụng túi ni lông

Túi ni lông có mức giá rẻ, vô cùng tiện lợi và được chúng ta ưa chuộng sử dụng hằng ngày. Ước tính trên thế giới mỗi năm tiêu thụ trung bình khoảng 500 – 1000 tỷ túi ni lông. Thế nhưng, chúng lại là “cái bẫy” chết chóc đối với các sinh vật sống trên trái đất, kể cả con người, và ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng. 

Vì vậy, thay vì sử dụng túi ni lông để đựng thực phẩm, quà Tết… chúng ta có thể dùng túi vải, túi giấy, túi cói. Những vật liệu này sẽ dễ phân hủy hơn và có thể tái sử dụng nhiều lần. Chỉ cần một hành động nhỏ là chúng ta đã góp phần bảo vệ môi trường rất nhiều rồi đấy.

>>> Xem thêm chi tiết: Tái chế túi ni lông

4. Hạn chế sử dụng chai nước dùng 1 lần

Ngày nay, những chai nước nhựa dùng 1 lần như là nước suối, nước ngọt… trở thành thức uống được sử dụng rộng rãi nhờ sự tiện lợi mà chúng mang lại. Đặc biệt, mỗi khi đi ra ngoài, đi chơi, đi dã ngoại… chúng ta thường chọn cách mang theo những chai nước này để có thể vứt bỏ ngay sau khi sử dụng mà không phải lỉnh kỉnh, vướng víu như khi mang theo chai nước cá nhân. 

Theo thống kê, có khoảng 50 tỷ chai nước được tiêu thụ mỗi năm trên thế giới. Và trung bình, mỗi chai nước này mất khoảng 1000 năm để phân hủy hoàn toàn, nhất là những chai nhựa đặc, có nắp chai. Ở nhiều nước có ngành tái chế rác thải phát triển, việc tái chế nắp chai cũng còn khá khó khăn. Chưa kể, để sản xuất ra các chai nhựa này sẽ tiêu tốn một lượng nước gấp 3 lượng nước được đóng chai và các nguyên liệu như dầu hỏa, chất đốt để vận hành nhà máy sản xuất. Thế thì chúng ta còn chần chờ gì mà không thiết lập ngay thói quen sử dụng bình nước cá nhân để mang nước theo mỗi khi đi du lịch, đi chơi hay đi du xuân. 

>>> Xem thêm chi tiết: Tái chế chai nhựa thành chậu hoa

5. Hạn chế dùng màng bọc thực phẩm

Màng bọc thực phẩm cũng có xuất xứ từ nhựa, ni lông nhưng chúng được đánh giá là có mức độ nguy hại hơn cả túi ni lông. Bởi túi ni lông còn có thể giặt sạch và tái sử dụng, trong khi màng bọc thực phẩm lại không. 

Nhưng nhiều gia đình hiện nay lại có thói quen sử dụng màng bọc thực phẩm cho dù trong một số trường hợp không thực sự cần thiết. Và điều này là không nên. Để bảo vệ môi trường, chúng ta nên từ bỏ ngay thói quen này và hãy sử dụng các loại hộp có nắp đậy có thể dùng nhiều lần, không chỉ là khi ở nhà mà cả trong lúc đi chơi, đi du xuân nữa nhé. 

6. Không thả bóng bay 

Ngày Tết, đâu đâu chúng ta cũng bắt gặp hình ảnh những em bé trên tay cầm những chiếc bong bóng có hình thú ngộ nghĩnh. Và chỉ sau một lúc chơi, những đứa trẻ bắt đầu cảm thấy chán và buông tay thả những chiếc bóng bay lên bầu trời. Thả bóng bay, tưởng chừng là một việc vô hại nhưng chúng lại gây ảnh hưởng đến môi trường hơn quý vị nghĩ. Bóng bay theo gió sẽ rơi xuống ao, hồ, sông, suối, đại dương.

Và từ đây, chúng trở thành những cái bẫy gây nên cái chết cho các loài sinh vật biển. Theo ghi nhận của Hiệp hội Nghiên cứu Sinh vật biển, mỗi năm có đến 100.000 sinh vật biển ăn phải rác thải nhựa và ni lông. Và trong số đó có khoảng 5% sinh vật biển bị chết vì nuốt phải bóng bay. Chưa kể, dây buộc bong bóng còn mắc vào vây, đuôi cá… Vì thế, bố mẹ chỉ cần không mua bóng bay cho con mà thay vào đó bằng một trò chơi vui vẻ và bổ ích hơn là đã có thể góp phần bảo vệ môi trường sống rồi đấy. 

7. Không phí phạm thức ăn và giảm tiêu thụ thịt

Giảm bớt tiêu thụ thịt, cá và các loài động vật khác là một trong những hành động bảo vệ môi trường rất ý nghĩa. Nếu tất cả mọi người cùng ăn chay, chỉ trong 1 ngày sẽ có 8 triệu chú bò, 5 triệu chú heo, 33 triệu chú cừu… thoát khỏi cái chết. 

Ngoài ra, chúng ta cũng nên ăn vừa đủ và hạn chế phí phạm thức ăn để giảm thiểu áp lực lên ngành công nghiệp thực phẩm. Hóa chất trồng trọt, phân thải chăn nuôi… nhờ đó cũng sẽ được hạn chế. Vì vậy, trong ngày Tết, chúng ta cũng nên tránh tổ chức những bữa tiệc lớn nếu không thực sự có nhu cầu thực sự. 

Còn rất nhiều những hành động đơn giản chúng ta có thể làm để bảo vệ môi trường và trái đất thân yêu. Chỉ cần là chúng ta có ý thức và thực hiện chúng mỗi ngày mà thôi.

>>> Xem thêm:

Website: Huongluxury.com 

Facebook | Youtube | Instagram | Pinterest | Twitter

Tham khảo Unilever Vietnam. Ghi rõ nguồn khi tham khảo