3 Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị hăm da

Trẻ nhỏ hay bị hăm da dẫn đến sự khó chịu, mệt mỏi cho bé. Cha mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân của căn bệnh này để có sự phòng tránh cũng như chữa trị nhanh chóng cho bé. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho quý vị những thông tin hữu ích về nguyên nhân bị hăm da của trẻ để bố mẹ có cách phòng tránh hiệu quả hơn.

Gia đình

1. Nguyên nhân hăm da do tã bỉm

Việc sử dụng tã bỉm hằng ngày cho bé trở nên phổ biến nhờ sự tiện lợi, dễ sử dụng cũng như tiết kiệm nhiều thời gian, công sức của cha mẹ khi chăm bé. Tuy nhiên, việc sử dụng tã, bỉm không đúng cách có thể là nguyên nhân gây nên bệnh hăm da của trẻ.

Nguyên nhân thứ nhất có thể do thói quen dùng lại bỉm cũ. Nhiều cha mẹ thấy tã của con mặc còn sạch nên để cho bé mặc lại mà không vứt đi. Tuy nhiên, có thể quý vị chưa biết, tã bỉm chỉ chứa chút nước tiểu thôi cũng đã tạo môi trường để cho vi khuẩn phát triển nhanh chóng. Chúng khiến cho bé cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu và lâu ngày dẫn đến việc hăm da.

Bên cạnh đó, cũng có thể do cha mẹ không thường xuyên thay bỉm, để cho con mặc bỉm quá lâu. Bởi công việc bận rộn nên quý vị có thể quên thay bỉm cho con và để như vậy cả ngày trời. Theo lý thuyết thì nếu bỉm có chứa nước tiểu của bé chỉ có thể dùng thêm 4 tiếng còn nếu bé đã ị ra thì cần thay ngay lập tức. Đặc biệt là vào mùa thời tiết nóng, da bé cần có sự thoáng mát, tránh bí bách nếu không rất dễ bị hăm da.

Việc mặc bỉm sai kích cỡ cũng có thể là nguyên nhân gây hăm da ở trẻ. Thông thường, các bà mẹ khi chọn mua bỉm cho con sẽ dựa theo cân nặng để mua. Tuy nhiên, quý vị cần phải dựa trên giới tính để lựa chọn cho phù hợp nữa. Bé trai có thể chọn những loại bỉm hút ẩm tập trung phía trước còn bé gái thì chủ yếu ở giữa và phía sau. Mặc bỉm đúng kích cỡ giúp không bị tràn cũng như khiến bé cảm thấy thoải mái, dễ chịu khi hoạt động. Mặc cho bé bỉm quá chật sẽ khiến cho trẻ bị bí bách, khó chịu, gây hăm da.


2. Bé bị hăm da do ma sát

Trẻ nhỏ có làn da mỏng manh, dễ tổn thương cũng như kích ứng bởi các tác nhân bên ngoài. Cha mẹ lựa chọn cũng như sử dụng quần áo cho bé, khăn quấn,… không mềm mại cho trẻ cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị hăm da, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Khi giặt đồ, quý vị cần đảm bảo sử dụng bột giặt, dùng nước xả vải cẩn thận để quần áo của bé không bị khô ráp. Ngoài ra, quý vị nên sử dụng nước giặt cho bé thay vì bột giặt để tránh các cặn bám trên vải dễ khiến bé cảm thấy khó chịu. Ngâm tã vải trong nước xả vải để loại bỏ hoàn toàn cặn xà phòng, tính kiềm còn đọng lại trên tả.

Bên cạnh đó, các chất sử dụng khi giặt quần áo cũng cần được cha mẹ quan tâm. Các chất hóa học, tẩy rửa có trong bột giặt thông thường có thể khiến da của bé bị kích ứng, mẩn ngứa và cảm thấy khó chịu. Do đó, quý vị nên sử dụng những loại nước giặt chuyên dùng cho trẻ sơ sinh với các thành phần an toàn, dịu nhẹ, không gây hại cho làn da của bé, tránh các hiện tượng dị ứng, nhiễm trùng và hăm da.


3. Hăm da do nấm và vi khuẩn

Làn da của bé mỏng manh và dễ bị vi khuẩn làm hại. Trong khi đó, nước tiểu và phân chính là điều kiện thuận lợi để cho các loại vi khuẩn này phát triển, sinh sôi khiến cho làn da bé khi tiếp xúc sẽ bị hăm da. Nếu để tình trạng này trong thời gian dài có thể khiến trẻ bị nhiễm trùng và phải nhập viện.

Việc vệ sinh cơ thể cho bé không sạch sẽ đặc biệt là mùa hè khiến cho bụi bẩn tích tụ tại các khe ở cổ, cánh tay, chân,… của bé. Tạo điều kiện cho các loại nấm phát triển nhanh chóng gây hăm da. Do đó, quý vị cần thường xuyên lau sạch các vùng này cho bé để cơ thể trẻ luôn sạch sẽ, khô thoáng.

Trên đây là 3 nguyên nhân cơ bản khiến cho trẻ sơ sinh bị hăm da. Đây là một căn bệnh thường gặp và dễ điều trị nếu phát hiện sớm. Hy vọng với thông tin của bài viết sẽ giúp bố mẹ biết được cách phòng tránh và điều trị bệnh hăm da cho trẻ kịp thời nhất.